Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình của Đảng, với tinh thần và ý chí quyết tâm "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", toàn thể nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ với niềm tin tất thắng. Chiều 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu toàn thắng” đã góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, anh dũng của quân, dân ta và là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954 đã tạo ra những điều kiện quyết định thắng lợi cho nhân dân ta trong cuộc đàm phán ở Hội nghị Giơnevơ. Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam quy định giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên tập kết là vĩ tuyến 17: Quân đội nhân dân Việt Nam ở phía Bắc giới tuyến, quân đội Pháp ở phía Nam giới tuyến. Lịch rút quân và chuyển quân của quân đội Pháp được chia thành 4 đợt, Hải Phòng nằm trong khu vực tập kết 300 ngày, là đợt rút quân cuối cùng và dài ngày nhất (Pháp rút khỏi Hải Phòng, quân ta rút khỏi Nam Quảng Ngãi và Bình Định). Hải Phòng - vị trí chiến lược quan trọng nhất của khu tập kết 300 ngày. Với hệ thống cảng biển, sân bay Cát Bi, sân bay Kiến An… Hải Phòng - Kiến An trở thành cầu nối duy nhất giữa miền Nam và miền Bắc trong giai đoạn này. Đây là nơi thực dân Pháp chuyên chở binh lính vào Nam, cùng đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu phá hoại Hiệp định Giơnevơ, gài gián điệp trước khi rút khỏi miền Bắc.
Mặc dù bị thất bại hoàn toàn trong chiến tranh nhưng thực dân Pháp được sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ đã thực hiện những thủ đoạn hết sức thâm độc nhằm phá hoại cách mạng nước ta. Chúng tăng cường bắt lính, thành lập các tổ chức phản động tuyên truyền xuyên tạc nội dung Hiệp định Giơnevơ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam, di chuyển máy móc, phá hoại tài sản và các cơ sở kinh tế của ta tại Hải Phòng. Điều 21 và Điểm d, Điều 14 của Hiệp định Giơnevơ quy định: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thực hiện ngừng bắn ở chiến trường, tất cả tù binh, tù chính trị và thường dân bị giam giữ phải được thả hết”, “ Trong thời gian kể từ khi Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực đến ngày hoàn thành việc chuyển quân, nếu có thường dân ở một khu vực thuộc quyền kiểm soát của bên này mà muốn ở vùng giao cho bên kia, thì nhà chức trách của khu trên phải cho phép và giúp đỡ sự di chuyển ấy”. Lợi dụng các quy định đó, Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã câu kết di chuyển tù vào Nam, thủ tiêu những người cho là nguy hiểm. Đã có hàng ngàn tù nhân bị chúng thủ tiêu hoặc bị đưa đi đâu không rõ tung tích. Đồng thời, chúng dụ dỗ, cưỡng ép, lôi kéo đồng bào miền Bắc di cư vào Nam.
Trước âm mưu và thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, Đảng bộ Hải Phòng - Kiến An đã có sự lãnh đạo đúng đắn và thích hợp với hoàn cảnh lịch sử mới. Từ ngày 18 đến ngày 20/9/1954, Hội nghị Thành ủy mở rộng họp và xác định nhiệm vụ trước mắt của nhân dân Hải Phòng là: Chống cưỡng ép di cư, chống di chuyển và phá hoại tài sản, chống bắt lính và vận động binh sỹ ngụy trở về gia đình, quê hương. Để làm tốt nhiệm vụ ấy phải gấp rút xây dựng, phát triển cơ sở, kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tăng cường nhiều cán bộ chủ chốt nội thành. Thực hiện chủ trương của Thành ủy với phương châm “thuyết phục là chính”, cán bộ và bộ đội tỏa về các làng Thiên Chúa giáo, các trại tập trung di cư tuyên truyền giải thích cho đồng bào về đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Các làng Công giáo ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy lập các tổ chức “quyết tâm ở lại” động viên giúp nhau ở lại xây dựng quê hương. Với khẩu hiệu "Hòa bình không đi lính”, các tổ chức Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ đã tổ chức gần 40 cuộc đấu tranh chống bắt lính làm thất bại âm mưu của kẻ thù. Song song với cuộc đấu tranh trên, cuộc đấu tranh chống di chuyển, phá hoại máy móc, tài sản được giai cấp công nhân và nhân dân nội thành, nội thị thực hiện có kết quả. Nổi bật là cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy Điện, Cảng, Hỏa xa, công chính…
Ngày 27/10/1954, 300 công nhân có sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân đấu tranh giữ lại đầu máy và các toa xe khi chủ ra lệnh tháo dỡ máy. Ngày 28/11/1954, quần chúng nhân dân và nhân viên y tế đấu tranh chống lại quân Pháp khi chúng tới Nhà thương vườn hoa tháo máy chữa răng, chữa mắt, máy chiếu điện và nhiều dụng cụ y tế khác. Cuộc đấu tranh kéo dài tới 21 giờ, quân Pháp buộc phải chấp nhận để lại máy móc và thả những người bị bắt. Ngày 20/12/1954, công nhân Ty Công chính có sự hỗ trợ của 3.000 công nhân lao động toàn thành phố đấu tranh giữ lấy 7.000 tấn máy. Công nhân Nhà máy điện Cửa Cấm đấu tranh giữ 12 hòm máy phát điện và nhiều dây cáp. Ngoài những cuộc đấu tranh trên còn hàng chục cuộc đấu tranh khác buộc địch phải thực hiện những điều khoản đã ký kết trong Hiệp định Giơnevơ. Ngày 28/4/1955, ta tiếp quản huyện An Dương; ngày 08/5/1955, tiếp quản Hải An; ngày 10/5/1955, tiếp quản tỉnh lỵ Kiến An; ngày 13/5/1955, tiếp quản thành phố Hải Phòng; ngày 14 và 15/5/1955, tiếp quản Cát Bà - vị trí cuối cùng của thực dân Pháp ở miền Bắc Việt Nam, miền Bắc nước ta đã hoàn toàn giải phóng.
Ba trăm ngày đóng quân cuối cùng của thực dân Pháp ở Hải Phòng - Kiến An cũng là 300 ngày đấu tranh gay go quyết liệt nhưng vô cùng sôi động của nhân dân trên các mặt chính trị, kinh tế đòi đối phương thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ và bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được. Thắng lợi của cuộc đấu tranh 300 ngày là kết quả lãnh đạo của Thành ủy Hải Phòng, Tỉnh ủy Kiến An, trực tiếp là cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân Hải Phòng - Kiến An. Quê hương đã được giải phóng bước vào một thời kỳ cách mạng mới.
Đêm 12/5, nhân dân thành phố Hải Phòng không ngủ. Rạng sáng ngày 13/5/1955, đường phố chật kín người xuống đường hân hoan đón mừng đội quân giải phóng tiến vào thành phố. Hải Phòng rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ, những gương mặt rạng ngời ánh lên niềm vui vô tận chào đón những người con thân yêu của mình trong ngày giải phóng. Nhà máy, công sở và những con tầu đồng loạt cất lên hồi còi dài chào mừng ngày chiến thắng lịch sử của quê hương đất nước. Hải Phòng sạch bóng quân thù, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Ngày 13/5/1955, mãi mãi khắc sâu vào tâm khảm của người dân thành phố. Thắng lợi của cuộc đấu tranh 300 ngày giải phóng Hải Phòng có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải phòng hoàn toàn miền Bắc. Đây là kết quả của sự lãnh đạo của Thành ủy Hải Phòng, tỉnh ủy Kiến An, trực tiếp là cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân Hải Phòng - Kiến An trong 9 năm kháng chiến.
Cách đây 69 năm, ngày 13/5/1955, những tên lính Pháp cuối cùng rời Hải Phòng. Nhân dân thành phố Cảng hân hoan chào đón Bộ đội Cụ Hồ từ các cửa ô tiến vào tiếp quản thành phố. Cứ mỗi độ tháng 5 về, cùng với sắc phượng thắm rợp trời người dân thành phố Hải Phòng lại được hân hoan sống lại khoảnh khắc hào hùng của những ngày giải phóng.
Những lính Pháp cuối cùng lên tàu rời khỏi Hải Phòng dưới sự giám sát
của hai sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam tại Bến Nghiêng
Bộ đội ta tiếp quản Hải Phòng ngày 13/5/1955