Xã Hồng Thái có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời. Trước cách mạng tháng Tám, các thôn, làng ở Hồng Thái hiện nay là các xã thuộc tổng Kiều Yêu và Tổng Văn Cú. Sau cách mạng tháng Tám, chính quyền cách mạng hợp nhất thành phố hải Phòng và tỉnh Kiến An thành liên tỉnh Hải Kiến, lúc này xã Hồng Thái có tên gọi là xã Đề Thám gồm 5 thôn: Đào Yêu, Hi Tái, Kiều Trung, Kiều Đông, Tiên Sa. Cuối năm 1949, Xích Thổ sáp nhập vào xã Đề Thám đổi thành Hồng Thái. Trong thời gian hai cuộc kháng chiến, rất nhiều lần tách nhập để phù hợp với thời chiến.
Tài liệu các dòng họ địa phương cho biết, quá trình khai sáng làng ấp muộn nhất vào thế kỷ X, sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền đã cho phần lớn tướng sĩ ở lại lập nghiệp và tụ cư xây dựng cuộc sống, khai phá mở rộng đất đai đồng thời tạo phên dậu bảo vệ vùng cửa biển. Theo thần tích, thần phả của thôn Đào Yêu, Kiều Đông thì vào thời Trần (1226-1400), ở đây có hai ông Nghè Bùi Xuân Hùng và Bùi Xuân Hổ đỗ Thái học sinh và vị Phó đô đốc hải quân Hoàng Công Thản có công lớn trong việc đánh quân Mông Nguyên. Như vậy vào thời Trần các làng xã Hồng Thái đã có sự quần tụ dân cư ổn định.
Những cư dân đầu tiên đặt chân lên vùng đất này, họ đã khai phá những bãi bồi để trồng lúa, hoa màu; các luồng mạch sông ngòi là nơi dân chài ngụ cư và đánh bắt thủy sản, giao lưu bến chợ. Hiện nay, trên địa bàn Hồng Thái còn lưu giũ nhiều công trình văn hóa tâm linh như: Đình Đào Yêu (công trình tôn thờ đức Quý Minh đại vương là tướng tài của Hùng Duệ Vương); Đình Hy Tái; Đình Kiều Đông; Đình Xích Thổ; Đình và Miếu Tiên Sa; Đình và Miếu Kiều Trung…
Dân làng kể lại rằng, Miếu lục Kiều bát xã khởi dựng từ lâu đời, thời điểm khi hai vị quan Nghè mất. Tương truyền, miếu được xây dựng gồm hai tòa nhà gỗ lim, nhà trong thờ hai vị và sau bia đá ghi thần tích các ngài, nhà ngoài để tế lễ và hội họp. Trải qua nhiều thế kỷ, miếu bị xuống cấp, hư hỏng nặng, trong suốt thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ miếu không được tu sửa nên bị mai một. Đến năm 1991, miếu được khôi phục lại cho đến ngày nay.
Theo ông Lương Thế Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có tổng 81 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 13 di tích cấp Quốc gia, 36 di tích cấp thành phố và 2 lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Các di tích lịch sử văn hóa không chỉ thuần túy mang yếu tố tín ngưỡng mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần mang đạm nét truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ các vị Thành hoàng làng có công lao với quê hương, đất nước. Mới đây, đề bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử Miếu lục Kiều bát xã là di tích thứ 4 của xã Hồng Thái được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân thôn Đào yêu mà còn là niềm vinh dự của nhân dân huyện An Dương và của xã Hồng Thái.