Những năm qua, ngành giáo dục đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục của toàn ngành; trong đó, có triển khai học bạ điện tử, tiến tới học bạ số. Trên cơ sở thấy được sự hạn chế, bất cập của công tác quản lý kết quả học tập, thông tin học sinh trong các trường học bằng hệ thống học bạ giấy và với sự phát triển mạnh của mạng lưới công nghệ thông tin, ngành giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện triển khai ứng dụng hệ thống học bạ điện tử, sớm bỏ hoàn toàn học bạ giấy, ứng dụng học bạ điện tử thành công ở tất cả các trường phổ thông.
Thay vì sử dụng sổ điểm giấy, nhiều năm nay, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Thái đều nhập điểm và đánh giá, nhận xét học sinh trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Quá trình triển khai sổ điểm điện tử, nhà trường lựa chọn nhà mạng Viettel và VNPT để đảm bảo phần mềm và đường truyền thông suốt; phân công giáo viên Tin học tham gia tập huấn về thực hiện sổ điểm điện tử của Sở GDĐT, sau đó, tổ chức tập huấn đại trà tại nhà trường. Qua thực tiễn triển khai, cán bộ, giáo viên nhà trường đều nhận thấy sổ điểm điện tử có nhiều lợi ích, rất thuận tiện và tiết kiệm thời gian.
Đối với Ban Giám hiệu, từ khi triển khai sổ điểm điện tử, công tác quản lý thông tin của học sinh được nâng cao hiệu quả. Đặc biệt, sổ điểm điện tử giúp dễ dàng đồng bộ dữ liệu, thông tin, điểm số của học sinh.
Trên sổ điểm điện tử, giáo viên chủ nhiệm cập nhật danh sách, sơ yếu lý lịch của học sinh, kiểm diện học sinh, điểm kiểm tra trung bình các môn, xếp loại học lực, hạnh kiểm, danh hiệu thi đua của học sinh…; giáo viên bộ môn cập nhật điểm kiểm tra, nhận xét sự tiến bộ của học sinh trong các lớp mình phụ trách giảng dạy. Trường hợp sai sót, cần điều chỉnh điểm số, thông tin của học sinh đã nhập trên hệ thống, giáo viên phải đề xuất và được sự đồng ý của Trưởng ban quản trị phần mềm của trường, do đó, việc bảo mật và tính pháp lý rất cao.
Trên thực tế, tuy có sự phụ thuộc nhất định vào tính đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ, nhưng khi xây dựng học bạ điện tử đã được ngành giáo dục chỉ đạo bảo đảm tính ứng dụng cao về những tiện ích và phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục hiện nay. Hệ thống học bạ điện tử khi được áp dụng triển khai sẽ giúp toàn bộ công tác quản lý được tự động hóa theo quy trình và trên một mô hình tập trung. Tất cả các dữ liệu phần mềm chính thống được chuyển đồng bộ, tự động từ các trường tới cấp phòng quản lý và cấp sở. Mỗi khi cần số liệu thống kê của bất cứ một cấp hay kiểm tra kết quả học tập và thông tin của bất cứ một học sinh nào đó, các cơ quan quản lý cấp sở và cấp phòng chỉ thực hiện một vài thao tác đơn giản đã có đầy đủ số liệu chính xác, thay cho việc kiểm tra trực tiếp hoặc tổng hợp và chờ đợi từ các đơn vị gửi lên như đã thực hiện nhiều năm trước đây.
Trong năm học 2023 - 2024, nhà trường thực hiện thí điểm từ khối lớp 1 đến khối lớp 5. Khi tham gia thí điểm nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện, gồm: có máy vi tính kết nối mạng internet; có phần mềm quản lý nhà trường để có thông tin, dữ liệu về giáo viên, học sinh, kết quả học tập; có chữ ký số để giáo viên, ban giám hiệu ký và đóng dấu học bạ; có nhân sự để quản trị, sử dụng phần mềm học bạ số.
Với sự phát triển nhanh, ngày càng đồng bộ, hoàn thiện của hạ tầng công nghệ, toàn ngành giáo dục sử dụng chung một hệ thống quản lý điểm số, quản lý học sinh trong các trường học bằng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử giúp tiết kiệm ngân sách mua sổ điểm viết tay, học bạ giấy và còn được coi là giải pháp giải phóng sức lao động, thời gian làm việc của cán bộ, giáo viên toàn ngành, thực hiện mục tiêu tạo sự công bằng, minh bạch trong giáo dục./.